Wednesday, June 8, 2016

PHAN TICH BAI THƠ "DONG CHI" CUA CHINH HƯU




I. Hướng dẫn viết mở bài:

– Cách 1:
+ Giới thiệu về nhà thơ chính hữubài thơ đồng chí
+ Nêu nghệ thuật và nội dung của bài thơ.
         VD:
           Chính Hữu tên khai sinh là Trần Đình Đắc. Sinh năm 1926, quê Can Lộc – Hà Tĩnh. Là nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện Đại, Trong suốt cả cuộc đời thơ hơn 60 năm Chính Hữu gần như chỉ viết về đề tài người lính và chiến tranh và ông cũng rất thành công với đề tài này, một trong số bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Chính Hữu là bài thơ “ Đồng Chí” sáng tác năm 1948. Bằng thể thơ tự do, ngôn ngữ, hình ảnh chân thực cô đọng, bài thơ đã xây dựng thành công hình tượng người lính và tình đồng chí gắn bó keo sơn giữa họ.

Cách 2:
       Hình tượng người lính và cô thanh niên xung phong là hình tượng trung tâm của thời đại HCM, cũng là nguồn đề tài không bao giờ vơi cạn cho các nhà thơ, nhà văn và cả họa sỹ. Riêng về đề tài người lính thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại có cả một đội ngũ những cây bút hùng hậu, Chính Hữu là một trong số đó và bài thơ "đồng chí" của ông có chỗ đứng danh dự, với thể thơ tự do, ngôn ngữ, hình ảnh giản dị cô đọng, hàm súc bài thơ đã xây dựng thành công hình tượng người lính và tình đồng chí gắn bó keo sơn giữa họ.


II. Hướng dẫn viết thân bài:

1. Giải thích nhan đề:

- Hai từ đồng chí được dùng trong từ điển tiếng Việt hơn nửa thế kỉ nay là tiếng xưng hô quen thuộc của những người có chung lý tưởng cộng sản

- Là tình cảm mới mẻ xuất hiện trong kháng chiến
- Tên bài thơ gợi chủ đề của tác phảm: Bài thơ viết về tình đồng chí của những người lính nông dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tình đồng chí là cốt lõi, là bản chất sâu xa gắn bó của người lính cách mạng.

2. Cơ sở hình thành tình đồng chí: 
a. Chung hoàn cảnh xuất thân: Đều là nông dân nghèo.
- Hai câu thơ mở đầu bằng lối cấu trúc song hành, đối xứng làm hiện lên hai gương mặt người chiến sĩ. Họ như đang tâm sự cùng nhau. Giọng điệu tự nhiên, mộc mạc, đầy thân tình. “Quê anh” và “làng tôi” đều là những vùng đất nghèo, cằn cỗi, xác xơ, là nơi “ nước mặn đồng chua”, là xứ sở của “đất cày lên sỏi đá”.
- Hai câu thơ mở ra hai phương trời cách biệt:
+ Nước mặn đồng chua là thành ngữ gợi người đọc liên tưởng đễn dải đồng bằng Hà Nam Thái bình quanh năm chiêm khê, mùa thối, sống ngâm da, chết ngâm xương.
+ còn thành ngữ “Đất cày lên sỏi đá” Lại khiến ta nghĩ đến vùng trung du đá sỏi bạc màu, già khô, cằn cỗi. Anh và tôi, quê anh và làng tôi đều là những vùng quê lam lũ đói nghèo.
- Tác giả đã mượn thành ngữ, tục ngữ để nói về làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn thân yêu của những người chiến sĩ, Điều ấy đã làm cho lời thơ mang đậm chất chân quê, dân dã đúng như con người vậy – những chàng trai dân cày chân đất, áo nâu lần đầu mặc áo lính lên đường ra trận! Như vậy, sự đồng cảnh, cùng chung giai cấp chính là cơ sở, là cái gốc hình thành nên tình đồng chí. 

b. Chung nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
- Năm câu thơ tiếp nói lên một quá trình thương mến: từ chỗ “đôi người xa lạ” rồi thành “ đôi tri kỉ” để kết thành “đồng chí”.
- Câu thơ có độ dài ngắn khác nhau, cảm xúc thơ như dồn tụ, nén chặt lại. Những ngày đầu, đứng dưới lá quân kì, những chàng trai ấy còn là “đôi người xa lạ”, mỗi người một phương trời “chẳng hẹn quen nhau”. Nhưng rồi cùng với thời gian kháng chiến, đôi bạn ấy gắn bó với nhau bằng biết bao kỉ niệm:
“Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”.
- Hai câu thơ chỉ có một chữ chung xong cái chung đã bao trùm tất cả:
+ “Súng bên súng” là cách nói hàm súc, giàu hình tượng, đó là những con người cùng chung lí tưởng chiến đấu. Họ cùng nhau ra trận đánh giặc để bảo vệ đất nước, quê hương, giữ gìn nền độc lập, tự do, sự sống còn của dân tộc – “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. 
+ Còn hình ảnh “đầu sát bên đầu” lại diễn tả sự đồng ý, đồng tâm, đồng lòng của “ anh và tôi”.
+ Và câu thơ “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ” là câu thơ hay ắp đầy kỉ niệm về một thời gian khổ, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi . Những ai đã từng đi kháng chiến ở Việt Bắc hẳn không thể quên được cái rét của Việt Bắc và của núi rừng: 
“ Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
Gió qua rừng Đèo Khế gió sang”
-Tố Hữu-
- Câu thơ nói đến cái rét mà sao ta lại thấy ấm áp vô cùng. Tình yêu thương, sự chia sẻ, cảm thông giữa những người lính đã làm ấm đêm mùa đông, ấm cả tâm hồn người đọc hôm nay.Và như thế mới thành “đôi tri kỉ” để rồi đọng kết lại là “Đồng chí!”. 
-“Đồng chí” , Câu thơ thứ bảy được rút ngắn lại chỉ còn có hai từ. là một điểm sáng tạo, một nét độc đáo qua ngòi bút của Chính Hữu.
- Cấu trúc đặc biệt và vị trí của nó đã tạo nên âm hưởng riêng cho bài thơ. Đến đây ta đã hiểu tình đồng chí là tình cảm thiêng liêng được tạo nên và lắng kết từ tình tri kỉ và từ rất nhiều những cái “chung” giữa “anh và tôi”.
– Câu thơ thứ bảy xuất hiện như một cái bản lề khép mở hai ý thơ. Đồng thời đó còn là hai tiếng thiêng liêng thốt lên tự đáy lòng người lính diễn tả niềm tự hào, xúc động, cứ ngân vang lên mãi bởi tình đồng chí là biểu hiện cao nhất của một tình bạn thắm thiết, đẹp đẽ. Một tình đồng chí cảm động thiêng liêng. Đồng chí” - ấy là điểm hội tụ, là nơi kết tinh bao tình cảm đẹp: tình giai cấp, tình bạn, tình người trong chiến tranh. Hai tiếng “đồng chí” bởi vậy mà giản dị, đẹp đẽ, sáng ngời và thiêng liêng. Ta tự hỏi trong muôn vàn nốt nhạc của tình cảm con người phải chăng tình đồng chí là cái cung bậc cao đẹp nhất, lý tưởng nhất. có lẽ chính bởi vậy mà tình đồng chí gắn bó keo sơn là âm vang bất diệt trở thành một phần đẹp nhất trong thơ Chính Hữu,

3. Biểu hiện và sức mạnh của tình đồng chí: 
a. Tình đồng chí là sự thấu hiểu, chia sẻ những tâm tư, nỗi lòng của nhau: 
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”

- Vì nghĩa lớn, các anh sẵn sàng từ giã những gì gắn bó thân thương nhất: “ruộng nương”, ”gian nhà”, ”giếng nước”, ”gốc đa”… Họ ra đi để lại sau lưng những băn khoăn, trăn trở, những bộn bề, lo toan của cuộc sống đời thường. Hai chữ “mặc kệ” đã diễn tả sâu sắc vẻ đẹp và chiều sâu đời sống tâm hồn người lính. Vì nghĩa lớn, họ sẵn sàng ra đi khi lí tưởng đã rõ ràng, mục đích đã chọn lựa. Song dù có dứt khoát thì vẫn nặng lòng với quê hương. Gác tình tiêng ra đi vì nghĩa lớn, vẻ đẹp ấy thật đáng trân trọng và tự hào. Trong bài thơ “Đất nước”, ta bắt gặp điểm tương đồng trong tâm hồn những người lính:

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.
(Đất nước -Nguyễn Đình Thi)
- Mặc dù đầu không ngoảnh lại nhưng các anh vẫn cảm nhận được “Sau lưng thềm năng lá rơi đầy”, cũng như người lính trong thơ của Chính Hữu, nói “mặc kệ” nhưng tấm lòng luôn hướng về quê hương. “Giếng nước gốc đa” là hình ảnh hoán dụ mang tính chất nhân hóa diễn tả một cách tinh tế tâm hồn người chiến sĩ, tô đậm sự gắn bó của người lính với quê nhà. “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” hay chính là tấm lòng của người ra đi không nguôi nhớ về quê hương. Quả thật, giữa người chiến sĩ và quê hương có mỗi giao cảm vô cùng sâu sắc, đậm đà. Người đọc cảm nhận từ hình ảnh thơ một tình quê ăm ắp và đây cũng là nguồn động viên, an ủi, là sức mạnh tinh thần giúp người chiến sĩ vượt qua mọi gian lao, thử thách suốt một thời máu lửa, đạn bom. 

b. Tình đồng chí còn là sự đồng cam cộng khổ, chia sẻ những khó khăn thiếu thốn của cuộc đời người lính: 

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai 
Quần tôi có vài mảnh vá 
Miệng cười buốt giá 
Chân không giày 
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”.


                 Bằng những hình ảnh tả thực, hình ảnh sóng đôi, tác giả đã tái hiện chân thực những khó khăn thiếu thốn trong buổi đầu kháng chiến: thiếu lương thực, thiếu vũ khí, quân trang, thiếu thuốc men…

+ Người lính phải chịu “từng cơn ớn lạnh”, những cơn sốt rét rừng hành hạ, sức khỏe giảm sút
+ Từ biết đã diễn tả chính xác cái cảm giác ớn lanh, run người, 
+ Không chỉ phải đối mặt với bệnh tật các anh còn phải ra trận với thiếu thốn mọi bề: Áo rách vai, quần vài mảnh vá, chân không giày, song sức mạnh của tình đồng chí đã giúp họ vượt qua tất cả. Nếu như hình ảnh “Miệng cười buốt giá” làm ấm lên, sáng lên tinh thần lạc quan của người chiến sĩ trong gian khổ thì cái nắm tay lại thể hiện tình đồng chí, đồng đội thật sâu sắc! Cách biểu lộ chân thực, không ồn ào mà thấm thía. Những cái bắt tay truyền cho nhau hơi ấm, niềm tin và sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Cái nắm tay nhau ấy còn là lời hứa hẹn lập công. Là quyết tâm đi tới và làm nên chiến thắng.Tình đồng chí trở nên cao đẹp :

"Tình đồng chí là: 
Hớp nước uống chung
Nắm cơm bẻ nửa
Là chia nhau một trưa nắng một chiều mưa
Là chia khắp an hem một mẩu tin nhà
Chi nhau đường trong chiến hào chật hẹp
Chia nhau cuộc đời chia nhau cái chết"
                                               ( Giá từng thước đất – Chính Hữu)


4. Biểu tượng đẹp của tình đồng chí: 
Tình đồng chí
Tình đồng chí


- Bài thơ khép lại với bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội, là biểu tượng cao đẹp về cuộc đời người chiến sĩ: 
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”.
- Thời gian: Đêm tối
- Không gian: nời rừng hoang
- Thời tiết: Sương muối lạnh giá
- Tư thế hiên ngang: chờ giặc tới.
+ Nổi lên trên cảnh rừng đêm hoang vắng, lạnh lẽo là hình ảnh người lính “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Đó là hình ảnh cụ thể của tình đồng chí sát cánh bên nhau trong chiến đấu. Họ đã đứng cạnh bên nhau giữa cái giá rét của rừng đêm, giữa cái căng thẳng của những giây phút “chờ giặc tới”. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ, giúp họ vượt lên tất cả…. 
+ Câu kết là một hình ảnh thơ rất đẹp: “Đầu súng trăng treo”. Cảnh vừa thực, vừa mộng. Về ý nghĩa của hình ảnh này có thể hiểu: Đêm khuya, trăng tà, cả cánh rừng ngập chìm trong sương muối. Trăng lơ lửng trên không, chiếu ánh sáng qua lớp sương mờ trắng, đục. Bầu trời như thấp xuống, trăng như sà xuống theo. Trong khi đó, người chiến sĩ khoác súng trên vai, đầu súng hướng lên trời cao như chạm vào vầng trăng và trăng như treo trên đầu súng. 
- Sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ: “Trăng”là biểu tượng cho vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, là sự sống thanh bình mang vẻ đẹp lãng mạn.
+ “Súng” là hiện thân cho cuộc chiến đấu gian khổ, hi sinh, là tượng trưng cho hiện thực khốc liệt.
- Hai hình ảnh đó trong thực tế vốn xa nhau vời vợi nay lại gắn kết bên nhau trong cảm nhận của người chiến sĩ tạo nên biểu tượng đẹp về cuộc đời người lính: Súng và trăng, cứng rắn và dịu hiền. Súng và trăng, chiến sĩ và thi sĩ. sự kết hợp hai yếu tố, hiện thực và lãng mạn đã tạo nên cái vẻ đẹp độc đáo cho hình tượng thơ. Và phải chăng, cũng chính vì lẽ đó, Chính Hữu đã lấy hình ảnh làm nhan đề cho cả tập thơ của mình – tập “Đầu súng trăng treo” – Bài thơ "Đồng chí" như một bông hoa đầu mùa trong vườn thơ cách mạng. 

III. Tổng kết: 
1. Nghệ thuật:
- Thể thơ tự do, câu dài ngắn đan xen, giúp nhà thơ diền tả hiện thực và bộc lộ cảm xúc một cách linh hoạt
+ nhiều hình ảnh chọn lọc, từ ngữ gợi cảm mà lại gần gũi thân thuộc, 
+ với biện pháp sóng đôi, đối ngữ được sử dụng rất thành công, 
+ Giọng điệu tâm tình, thủ thỉ như cuộc trò chuyện
2. nôi dung:
- Chính Hữu đã viết nên một bài ca với những ngôn từ chọn lọc, bình dị mà có sức ngân vang. Bài thơ đã ca ngợi tình đồng chí hết sức thiêng liêng, như là một ngọn lửa vẫn cháy mãi, bập bùng không bao giờ tắt, ngọn lửa thắp sáng đêm đen của chiến tranh
- Bài thơ kết thúc nhưng lại mở ra những suy nghĩ mới trong lòng người đọc. Bài thơ đã làm sống lại một thời khổ cực của cha anh ta, làm sống lại chiến tranh ác liệt. Bài thơ khơi gợi lại những kỉ niệm đẹp, những tình cảm tha thiết gắn bó yêu thương mà chỉ có những người đã từng là lính mới có thể hiểu và cảm nhận hết được. 
IV.. Liên hệ :
1.Bài thơ về tiểu đội xe không kính của phạm Tiến Duật
2. Tây Tiến 
3. Quang Dũng
                                                                                                                         


                                                                                                                - Nguyễn Thủy-
                                                                                                         ( Đọc mà thấy hay thì like nhé)


1 comment:

  1. Lucky Club Casino Site | LuckyClub.live
    Join a group of slot lovers and earn valuable rewards from playing in Lucky luckyclub Club Casino. We offer the chance to win real money. Lucky Club Casino is all about

    ReplyDelete