Monday, October 1, 2018

ĐỀ LUYỆN THI MÔN NGỮ VĂN LỚP 9 THEO HƯỚNG PHAT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH


I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 
       Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
THỜI GIAN LÀ VÀNG
Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá.
Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.
Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.
Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ.
Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.
Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.
(Phương Liên - Ngữ văn9)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, thời gian có những giá trị nào? (0,5 điểm)
Câu 3. Chỉ ra tác dụng của phép điệp được sử dụng trong văn bản. (1,0 điểm)
Câu 4. Từ ý nghĩa được gợi ra từ văn bản, anh/chị tâm đắc nhất với giá trị thời gian nào? (1,0 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu ở phần Đọc hiểu: “Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá”.
Câu 2: ( 5 điểm) Trình bày suy nghĩ của em về nhân vật Vũ Nương qua văn bản “ Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ


Sunday, April 22, 2018

Suy nghĩ về câu nói của Đacuyn: "Tôi nghĩ rằng tất cả những gì có giá trị một chút, tôi đều đã thu nhận được bằng cách tự học”.



Đề 1: Trả lời câu hỏi điều tra của nhà bác học Han tơn, nhà bác học Đacuyn nói về kinh nghiệm thành công của mình như sau: "Tôi nghĩ rằng tất cả những gì có giá trị một chút, tôi đều đã thu nhận được bằng cách tự học”. Anh /chị hãy viết một bài văn ngắn trình bày những suy nghĩ của mình về câu nói trên.Hướng dẫn làm bài:
I/Mở bài: Nêu được vấn đề cần nghị luận... 
II/Thân bài: 
1/ Giai thích câu nói của Đácuyn :
- Chân lý về sự tự học giúp người ta làm những điều có ý nghĩa. Tự học là thực chất của sự học, tích cực chủ động đế với kiến thức, là tìm kiếm tri thức ngoài sách vở nhà trường…
2/Bàn luận câu nói của Đacuyn: 
- Con người biết tự học là con người có ước mơ, hoài bão, có lí tưởng đóng góp cho cuộc sống, vì : 
+ Có hoài bão, có mục đích ta mới có phương hướng để tự học,tìm tòi, biết học có phương pháp ( d/c)
+ Có hoài bão con người mới có kiên trì, bền bỉ tự học, có nghị lực vượt qua khó khăn (d/c) ( Đác uyn : việc học của ông gắn liền với hoài bão khoa học của ông) 
- Muốn có kiến thức thực sự thì học sinh phải tự học ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường: xác lập hoài bão, mục đích để định hướng tự học, rèn luyện thói quen tự học, chuẩn bị tinh thần tự học, tận dụng các điều kiện để tự học (sách, báo, internet…)
 III/ Kết bài: 
- Đánh giá, nhận xét vấn đề: phát biểu của Đácuyn là một kinh nghiệm quý báu....
- Rút bài học và liên hệ bản thân : chúng ta phải biết tự học để thành tài, lập nghiệp cho mình và đóng góp cho đất nước


Tuesday, January 17, 2017

Ôn thi học sinh giỏi văn 9 cấp tỉnh mới nhất năm 2017

        Câu hỏi ôn tập học sinh giỏi văn 9

      Trong tiểu luận “Tiếng nói văn nghệ” Nguyễn Đình Thi đã viết: “Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được, ta sẽ dừng tay trên trang sách đáng lẽ sẽ lật đi và đọc lại bài thơ, tất cả tâm hồn chúng ta đọc”.
    Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy” .

  Gợi ý: 
- Xác lập ý : 
- Thơ và cuộc sống
- bài thơ ánh trăng là một bài thơ hay 
 + Hay trong nghệ thuật biểu hiện 
+ Hay trong nội dung cảm xúc 
+ Sức lay động của bài thơ 
- Đánh giá tổng hợp vấn đề. 
Dàn ý :
 I. MB : 
      - Tác phẩm thơ là kết tinh những rung cảm của trái tim người nghệ sỹ trước cuộc đời, là tiếng nói của tình cảm, là tấm gương của tâm hồn. 
- Thơ tác động đến người đọc bằng tình cảm chân thành, mang đến cho người đọc những liên tưởng, tưởng tượng phong phú..... 
- Vì vậy khi đọc « một bài thơ hay ta không bao giờ đọc qua một lần mà bỏ xuống được, ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc »
 - Đến với bài thơ « Ánh trăng » của nguyễn Duy chúng ta không thể đọc một lần mà bỏ xuống được, ta sẽ đọc bằng cả tâm hồn chúng ta. 
II. TB : 
1. Giải thích nhận xét:
 - Thơ và cuộc sống : 
+ Nhà thơ Sóng Hồng đã nhận định về thơ : « Thơ là nghệ thuật kì diệu bậc nhất của trí tưởng tượng » song ông cũng khẳng định « Thơ biểu hiện cuộc sống một cách cao đẹp ». Thế có nghĩa thơ gốc rễ của thơ vẫn là cuộc sống. 
+ Thơ tác động đến của người đọc : vừa bằng sự nhận thức cuộc sống vừa bằng khả năng gợi cảm sâu sắc, vừa trực tiếp với những cảm xúc, suy nghĩ cụ thể, vừa gián tiếp qua những liên tưởng tưởng tượng độc đáo. 
 + Thơ gắn liền với chiều sâu tâm hồn, thế giới nội tâm sâu kín của con người vừa gắn với cuộc sống khách quan – chiều sâu của sự phong phú trong đời sống xã hội nên thơ có khả năng lay đông tâm hồn người đọc một cách kì diệu. 
 * Giải thích một bài thơ hay và cách thưởng thức một bài thơ hay : 
- Bàn về thơ hay nhà thơ Xuân diệu đã nói : « Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài ». Nói thế có Nghĩa một bài thơ hay là hay từ cảm hứng sáng tác, tình ý trong thơ, đến ngôn ngữ, đến nghệ thuật biểu hiện. 
- Bài thơ hay là bài thơ có sự sáng tạo độc đáo về mặt nội dung cũng như hình thức nghệ thuật. 
- Bài thơ hay là bài thơ có khả năng lay động, đánh thức những rung cảm sâu thẳm trong lòng người đọc ,có khả năng khơi gợi những tình cảm cao đẹp trong tâm hồn con người. 
- Chính vẻ đẹp tình ý sâu sa, và cách biểu hiện độc đáo, sắc sảo mà mà thơ hay có sức lôi cuốn kì lạ khiến người ta không thể đọc qua một lần mà bỏ xuống được, nó khiến người ta phải dừng tay lại trên trang giấy đáng lẽ sẽ lật đi để đọc lại, và lần đọc lại ấy người đọc phải đọc bằng cả tâm hồn. 
 - Vậy thế nào là đọc bằng cả tâm hồn :
 + Thơ là sản phẩm của cảm xúc, được viết ra bằng thứ ngôn ngữ tinh lọc, hàm súc, nhiều tầng, đẹp như hoa nhưng không dễ nhìn thấy như hoa. Vì vậy để cảm nhận hết được cái hay cái đẹp của một bài thơ ta phải « dừng tay trên trang vở đáng lẽ sẽ lật đi để đọc lại bài thơ, đọc bằng cả tâm hồn » như vậy ta mới thấy hết cái hay, cái đẹp, cái tinh túy sâu sa, sức lan tỏa, lay động của nó. 
- Đến với bài thơ Ánh trăng của Nguyễn duy để có thể cảm nhận hết cái hay của bài thơ ta phải đặt bài thơ vào hoàn cảnh sáng tác, cảm nhận tấm lòng của nhà thơ đối với quê hương đất nước, với quá khứ, nét độc đáo trong sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, trong nghệ thuật biểu hiện ...
a. cái hay và độc đáo của bài thơ ánh trăng trước hết được thể hiện qua nghệ thuật của bài thơ
- Bài thơ được viết theo thể thơ năm chữ kết hợp tự sự, miêu tả, trữ tình, bình luận rất phù hợp với mạch cảm xúc vừa kể chuyện vừa bộc lộ tình cảm: Đây là Câu chuyện về mối tình giữa người và trăng được kể với ba mốc thời gian: Một thời khó khăn, gian khổ
 - Trăng và người gắn bó như tri kỉ; thời hòa bình về thành phố
 - Trăng thành người dưng; khi mất điện Trăng hiện ra “im phăng phắc” khiến cho người giật mình. Chính thời gian và hoàn cảnh đã cho người đọc thấy được sự đổi thay từ tri kỉ thành người dưng, và sự đối mặt khi mất điện làm cho nhân vật rưng rưng rồi giật mình,Từ những cảm xúc, những kie niệm gần gũi, bình dị ấy mà nâng lên thành lẽ sống ân nghĩa thủy chung với quá khứ thể hiện rõ tư tưởng chủ đề của bài thơ. 
- Ngôn ngữ thơ giản dị mộc mạc nhưng giàu hình ảnh, cô đọng, hàm súc, ý tứ sâu sa có sức quyến rũ kì lạ : 

- Giọng thơ kể chuyện nhỏ nhẹ, như là một lời tâm tình, trong đó không dùng từ nhân xưng. Nhân vật trữ tình kể chuyện nhưng trong suốt bài thơ không dùng một từ nhân xưng nào. Các câu thơ không chủ ngữ nối tiếp nhau xuất hiện trong toàn bài. Suốt các khổ thơ có một chủ thể như là vô danh đã sống, đã ngỡ, đã về thành phố, đã bật tung cửa sổ, đã ngửa mặt lên nhìn mặt. Chỉ đến dòng thơ cuối cùng mới có một từ nhân xưng. “ta”: Ánh trăng im phăng phắc Đủ cho ta giật mình Như vậy tác giả đã thành công khi để cho câu chuyện này là chuyện không phải của riêng ai. Có thể là của tôi, của bạn, của các bạn và rộng ra là của chúng ta. Vì mỗi người đều từng có quá khứ của mình. 
- Nhan đề bài thơ cũng rất hay :
 +Trong bài thơ tác giả bốn lần nhắc đến vầng trăng:
 - vầng trăng thành tri kỉ 
- cái vầng trăng tình nghĩa 
- vầng trăng đi qua ngõ 
- đột ngột vầng trăng tròn đến cuối bài thơ tác giả dùng : 
- ánh trăng im phăng phắc. Ánh trăng được dùng làm nhan đề Phải chăng, tác giả muốn đem phần tốt đẹp, phần nhân ái, thủy chung của vầng trăng tượng trưng cho ánh sáng để soi vào chỗ bóng tối, soi rọi vào sự lãng quên, vô tình trong tâm hồn con người, khiến người ta nhìn rõ mình, khiến người ta giật mình để rồi từ đó sống ân nghĩa, thủy chung với quá khứ dù quá khứ đó nhọc nhằn, gian khổ và trần trụi? Đấy là những nét nghệ thuật làm nên sự khác biệt và làm nên thành công của bài thơ Ánh trăng. b. cái hay và độc đáo của bài thơ ánh trăng được thể hiện trong nội dung cảm xúc.
 - Ánh trăng là bài thơ hay chứa đựng nội dung tình cảm, cảm xúc phong phú, trong đó có những lớp nghĩa hàm ẩn không dễ nhận ra : + Bài thơ là lời thủ thỉ tâm tình của nhà thơ về những năm tháng gian lao của cuộc đời người lính sống gắn bó với thiên nhiên đất nước hiền hậu và bình dị. 

+ Bài thơ ánh trăng chứa đựng những suy ngẫm và chiêm nghiệm của nhà thơ về những đổi thay của lòng người trước những biến thiên của cuộc sống.
+ Bài thơ ánh trăng là lời nhắc nhở người đọc về thái đọc sống uống nước nhớ nguồn, ân nghĩa thủy chung với quá khứ, đặc biệt là qua khứ nhọc nhằn, gian lao.  
 => Với những ý nghĩa đó bài thơ đã tác động sâu sắc đến bạn đọc bao thế hệ, khơi gợi từ tình cảm cá nhân đến cộng đồng, từ quá khứ đến hiện tại. Từ câu chuyện tâm tình giữa người và trăng mà nâng lên thành lẽ sống đẹp : Sống có nghĩa có tình, có trước có sau, ân nghĩa trọn vẹn. Vì thế mà khi đọc bài thơ ta không thể đọc một lần mà bỏ xuống được ta phải dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi...... 
III. KB : 
- Mở rộng và nâng cao vấn đề :
+ Thơ cũng như bất cứ thể loại nghệ thuật nào đều có mối quan hệ chặt chẽ với đời sống. 
+ Tiếp nhận một bài thơ hay là quá trình người đọc hòa mình vào tác phẩm để cảm nhận nó. Lúc ấy trái tim người đọc hòa cùng một nhịp với những rung cảm của nhà nghệ sỹ. Qua đó độc giả không chỉ hiểu được tấc lòng của nhà nghệ sỹ đối với cuộc đời mà còn tham gia đồng hành vào quá trình sáng tạo 
+  Đọc tác phẩm văn học là ta đang được sống những cuộc đời ta chưa từng được sống và đó là cách bồi dưỡng tâm hồn tình cảm của ta thêm phong phú.



Bồi dưỡng học sinh giỏi văn 9 cấp tỉnh năm 2017

Câu hỏi ôn tập:

 Nét đặc sắc trong hình ảnh người lính trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp vàchống Mỹ qua hai tác phẩm “Đồng chí” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.
=> Gợi ý:
I. Mở bài:
    - Giới thiệu được hai tác giả, hai tác phẩm và vấn đề nghị luận ( hình ảnh người lính qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ).
* Mở bài 1:
        Trong văn học Việt Nam hiện đại, hình ảnh người chiến sĩ cầm súng bảo vệ Tổ quốc có một vị trí hết sức quan trọng. Đó không chỉ là hình tượng nghệ thuật tiêu biểu trong nhiều tác phẩm mà còn là biểu tượng đẹp nhất của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Phần lớn các tác giả đều có mặt ở những mũi nhọn của cuộc kháng chiến để kịp thời ghi lại một cách chân thực và sinh động hiện thực chiến đấu của chiến sĩ ta. Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong những năm chống Pháp và người chiến sĩ Giải phóng quân miền Nam thời đánh Mỹ đã được phản ánh khá rõ nét với những vẻ đẹp khác nhau. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua hai bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.

* Mở bài 2
         Có những tác phẩm đọc xong, gấp sách lại là ta quên ngay. Nhưng cũng có những cuốn sách như dòng sông chảy qua tâm hồn ta để lại những ấn tượng chạm khắc trong tâm khảm.”Đồng chí” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật là hai tác phẩm như thế! Hình tượng anh bộ đội được ghi lại trong hai bài thơ đã lưu giữ trong văn chương Việt Nam hai gương mặt đẹp, đáng yêu của người lính trong hai thời kỳ lịch sử.

II. Thân bài:
Nội dung 1: Nét đặc sắc trong bút pháp thể hiện hình tượng người chiến sỹ qua hai bài thơ
    Chính Hữu và Phạm Tiến Duật là hai nhà thơ chiến sỹ sống và chiến đấu ở hai cuộc chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ thần thánh của dân tộc. Cùng thời với hai nhà thơ, đã có nhiều người viết về người chiến sỹ mang vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa, bi tráng.
   - Chính Hữu và PTD cũng viết về người lính với những vẻ đẹp trong phẩm chất, nhưng bút pháp không xưa cũ, không bay bổng, hào nhoáng, không mỹ lệ mà bút pháp chủ yếu là bút pháp hiện thực về đời sống chiến tranh.
  - Cả hai bài thơ đều được viết bằng thứ ngôn ngữ giản dị, chân thực, nhất là bài thơ về tiểu đội xe không kính của phạm Tiến Duật, những câu thơ như văn xuôi đã cho thấy không khí chiến trường ác liệt. Tuy nhiên ngôn ngữ ấy vẫn tạo được hình tượng cô đúc, vẫn dạt dào cảm xúc.

Nội dung 2: Nét đặc sắc của hình tượng người lính trong hai bài thơ: ( Điểm chung)
* Hình tượng người lính trong hai bài thơ mang vẻ đẹp chung của anh bộ đội cụ Hồ, Đó là:
- Họ đều từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu

+ Khi đất nước thanh bình, họ là nòng cốt xây dựng non sông phồn thịnh.

+ Khi đất nước có chiến tranh họ sẵn sàng hy sinh cả tài sản, tính mạng để đổi lấy nền độc lập cho dân tộc. Họ mang trong mình dòng máu lạc hồng.

- Ở người lính trong hai bài thơ đều thể hiện rõ tinh thần yêu nước bất khuất, kiên cường

- Ở họ có chung tinh thần lạc quan, tin yêu cuộc sống, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, xả thân vì lý tưởng: Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.

- Ở họ có chung tình đồng chí thắm thiết, sẻ chia vui buồn, sống chết có nhau.

=> Đây chính là những phẩm chất cao đẹp của người chiến sỹ cánh mạng trong thời đại Hồ chí minh, Các anh đã viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc, trở thành hình tượng trung tâm của thời đại, và trở thành đối tượng thẩm mỹ của thi ca. Tố Hữu đã ca ngợi:

“ Kính chào anh con người đẹp nhất
Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất
Sống hiên ngang bất khuất ở trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỉ XX”

Nội dung 3: Tuy nhiên mỗi người một vẻ đẹp: Nét đặc sắc của hình tượng người lính trong mỗi bài thơ:
* Trong bài thơ “Đồng chí”:
- Lấy bút pháp hiện thực làm chủ đạo, CH đã xây dựng lên hình tượng người chiến sỹ trong buổi đầu chống thực dân Pháp với vẻ đẹp chân thực mộc mạc.
+ Họ là những người lính xuất thân từ nông dân, ở những miền quê nghèo khó “nước mặn đồng chua”,”đất cày lên sỏi đá”. Họ “chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung – chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ.

+ Họ đến với cuộc kháng chiến với tinh thần yêu nước thật giản dị: nghe theo tiếng gọi cứu nước mà tự nguyện lên đường. Phía sau họ là bao cảnh ngộ: xa nhà, xa quê hương, phó mặc nhà cửa, ruộng vườn cho vợ con để sống cuộc đời người lính. Chữ “mặc kệ” trong câu thơ “Gian nhà không mặc kệ gió lung lay” đã lột tả được tinh thần “mến nghĩa” của những người nghĩa binh nông dân trong thơ Nguyễn Đình Chiểu, tinh thần “Ra đi không vương thê nhi” của các đấng trượng phu xưa và tinh thần “Quyết tự cho Tổ quốc quyết sinh” của những người tự vệ Thủ đô những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Nhưng khi đặt cạnh hình ảnh “gian nhà không” và chữ “gió lung lay” thì có gì đó cảm động quá. Người lính không hoàn toàn “mặc kệ” như khẩu khí đâu. Đó là đức hi sinh. Hi sinh cho quê hương đất nước. Một đức hi sinh giản dị làm cảm động lòng người.

- Trải qua những ngày gian lao kháng chiến đã ngời lên phẩm chất anh hùng ở những người nông dân mặc áo lính hiền hậu ấy.

+ Cái nhìn hiện thực đã giúp nhà thơ ghi lại được những nét chân thực về cuộc đời đi chiến đấu của người lính. Hình ảnh họ lam lũ với “áo rách vai”, “quần có vài mảnh vá”, với”chân không giày". Đói, rét, gian khổ khắc nghiệt đã khiến người lính phải chịu đựng những cơn sốt rét: “miệng cười buốt giá”,”sốt run người vừng trán ướt mồ hôi”. Trong hoàn cảnh đầy thử thách đó, sống được đã là kì tích. Chính Hữu còn ghi được hình ảnh người lính can trường vượt lên vững vàng trên vị trí của mình: “Đêm nay rừng hoang sương muối/Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”.

- Họ có một đời sống tình cảm đẹp đẽ, sâu sắc:

+ Lòng yêu quê hương và gia đình thể hiện qua nỗi nhớ “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”, niềm thương “gian nhà không”, qua ý thức về cảnh ngộ “quê hương anh nước mặn đồng chua” và “làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.

+ Từ hiện thực cuộc sống gian lao thiếu thốn, họ vun đắp được tình đồng chí keo sơn, gắn bó. Không phải vô cớ Chính Hữu đặt tên bài thơ là “Đồng chí” và nhiều lần trong bài thơ hai tiếng ấy đã vang lên. Tình đồng chí, đồng đội như là sự hội tụ, tập trung tất cả những tình cảm, những phẩm chất của người lính: Lòng yêu thương giữa những con người cùng cảnh ngộ, tinh thần đồng cam cộng khổ, tinh thần kề vai sát cánh trong chiến đấu, sự gắn kết giữa những người cung chung lí tưởng, chung mục đích và ước mơ. Gian lao thử thách khiến tình đồng chí, đồng đội thêm keo sơn, sâu sắc. Ngược lại, tình đồng chí ấy lại giúp người lính có sức mạnh để vượt qua gian lao thử thách.


=> Hình ảnh người lính Cụ Hồ trong những ngày kháng chiến chống Pháp được Chính Hữu khắc họa trong tình đồng chí cao đẹp, tình cảm mới của thời đại cách mạng.

=> Họ được khắc họa và ngợi ca bằng cảm hứng hiện thực, bằng ngôn ngữ giản dị, bằng những chất thơ trong đời thường, được nâng lên thành những hình ảnh biểu tượng nên vừa chân thực, mộc mạc, vừa gợi cảm lung linh.

* Người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”:

    - Nếu như những người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp xuất thân từ những người nông dân nghèo khổ, quê hương họ là những nơi “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá” thì những chiến sĩ lái xe Trường Sơn lại là những thanh niên có học vấn, có tri thức, đã được sống trong thời bình, được giác ngộ lí tưởng cách mạng cao cả, họ ra đi trong niềm vui phơi phới của sức trẻ hồn nhiên, yêu đời, yêu đất nước.

- Hình ảnh người lính lái xe – hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam những năm chống Mỹ phơi phới, dũng cảm, yêu thương được khắc họa qua hình ảnh những chiếc xe không kính và một giọng thơ ngang tàng, trẻ trung, gần gũi


- Những chiếc xe không có kính là hình ảnh để triển khai tứ thơ về tuổi trẻ thời chống Mỹ anh hùng. Đây là một thành công đặc sắc của Phạm Tiến Duật. Qua hình ảnh chiếc xe bị bom giặc tàn phá, nhà thơ làm hiện lên một hiện thực chiến trường ác liệt, dữ dội.

- Nhưng cũng “chính sự ác liệt ấy lại làm cái tứ, làm nền để nhà thơ ghi lại những khám phá của mình về những người lính, về tinh thần dũng cảm, hiên ngang, lòng yêu đời và sức mạnh tinh thần cao đẹp của lí tưởng sống chạy bỏng trong họ”.

        Phân tích các dẫn chứng:
+ tư thế thật bình tĩnh, tự tin “Ung dung buồng lái ta ngồi”, rất hiên ngang, hào sảng “Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”.
+ Một tâm hồn lãng mạn, bay bổng, trẻ trung: “Thấy sao trời và đột ngột cánh chim”.
+ Và độc đáo là tinh thần bất chấp khó khăn gian khổ, khiến cho lòng yêu đời được nhận ra và miêu tả thật độc đáo: các câu thơ “ừ thì có bụi”,”ừ thì ướt áo” và thái độ coi nhẹ thiếu thốn gian nguy “gió vào xoa mắt đắng”. Họ đã lấy cái bất biến của lòng dũng cảm, thái độ hiên ngang để thắng cái vạn biến của chiến trường gian khổ và ác liệt.
- Sâu sắc hơn, nhà thơ bằng ống kính điện ảnh ghi lại được tình đồng chí thắm thiết qua những khoảnh khắc “bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi. Đó là khoảnh khắc người ta trao nhau và nhà thơ nhận ra sức mạnh của tình đồng đội, của sự sẻ chia giữa những con người cùng trong thử thách. Nó rất giống với ý của câu thơ “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” của Chính Hữu, nhưng hồn nhiên hơn, trẻ trung hơn.

- Quyết tâm chiến đấu chiến thắng kẻ thù xâm lược của tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ: Họ mang trong mình sức mạnh của tình yêu với miền Nam, với lí tưởng độc lập tự do và thống nhất đất nước.

=> Nét đẹp của người chiến sỹ lái được nhà thơ Phạm Tiến Duật vẽ nên từ chính đời sống hiện thực, vô cùng nghiệt ngã của chiến tranh ….

c. Kết luận: Khẳng định, nâng cao:
- Lịch sử chiến tranh đã lùi xa nhưng hình tượng người lính trong hai cuộc kháng chiến đã tạc vào thế kỉ trở thành dáng đứng kiên cường bất khuất Việt nam, hình tượng ấy bất tử trong lòng người dân việt.
- Là thế hệ được thừa hưởng cuộc sống yên bình và hạnh phúc ta không bao giờ được quên quá khứ hào hùng và bi tráng của cha ông.
- Thế hệ hôm nay cần tiếp bước cha ông để xây dựng bảo về thành quả ấy đưa đất nước ngày càng phát triển.
                         
Chúc các bạn ôn thi đạt hiệu quả. 
Các bạn có thể cm bên dưới cho mình để tải nhiều tài liệu hữu ích phục vụ công tác bồi dưỡng học sinh giỏi văn 9 nữa nhé

Wednesday, June 15, 2016

ĐỀ THI VÀO LỚP 10 MÔN NGỮ VĂN NĂM 2016 mới


Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề) 

Câu 1 (2,0 điểm): Trong hai câu thơ sau, từ hoa trong thềm hoa, lệ hoa đ­ược dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Có thể coi đây là hiện tư­ợng chuyển nghĩa làm xuất hiện từ nhiều nghĩa đư­ợc không? Vì sao?
“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!”
( Nguyễn Du, Truyện Kiều).

Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên

Câu 3: (5.0 điểm): Cảm nhận của em về tình cha con trong đoạn trích sau:
Chiếc lược ngà

        "Đến lúc chia tay, mang ba lô trên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà.
        Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.
- Thôi ! Ba đi nghe con ! – Anh Sáu khe khẽ nói.
      Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:
- Ba…a…a… ba!
     Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.
Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:
- Ba! Không cho ba đi nữa ! Ba ở nhà với con !
Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa.
                          (Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà, Ngữ văn 9, Tập 1)

— Hết —
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm!

Câu 1:
- Từ hoa trong thềm hoa có nghĩa là đẹp, sang trọng.
- Từ hoa trong lệ hoa có nghĩa là nước mắt người đẹp.
- Từ hoa trong thềm hoa, lệ hoa đ­ược dùng theo nghĩa chuyển. 
- Tuy nhiên không thể coi đây là hiện tượng chuyển nghĩa làm xuất hiện từ nhiều nghĩa, vì nghĩa chuyển này của từ hoa chỉ là nghĩa chuyển lâm thời, nó ch­ưa làm thay đổi nghĩa của từ, chư­a thể đưa vào từ điển

Câu 2: HS có thể có những cách sắp xếp khác nhau nh­ưng đại thể nêu đ­ợc các ý sau
1. Giải thích:
- “Lòng không bền” là không có lòng kiên trì nhẫn nại, hay thay đổi ý định, làm việc không đến cùng, gặp khó khăn hay nản lòng, bỏ cuộc.
- “Núi”, “ biển” là biểu tượng cho sự vĩ đại, rộng lớn vô hạn. Đào núi, lấp biển là những công việc vô cùng khó khăn
- CHÍ: là ý chí là nghị lực là quyết tâm vượt qua khó khăn thử thách,
- Quyết chí: quyết tâm thực hiện cho bằng được, dù có gặp trở ngại…
-> ý nghĩa lời dạy của Bác Hồ: Có ý chí quyết tâm, tinh thần bền bỉ sẽ khắc phục đ­ợc mọi khó khăn làm đ­ợc nhiều việc vô cùng lớn lao

2. Cứng minh
* Cơ sở lí luận:
+ Khẳng định lời dạy của Bác hoàn toàn đúng trong mọi thời điểm, hoàn cảnh: 
+ Trong cuộc sống con đường để đi đễn thành công không bao giờ bằng phẳng và trải đầy hoa hồng, mà bao giờ cũng đầy trông gai thử thách, bước đi trên con đường ấy, đến được với thành công chân ta phải rớm máu, tinh thần ta phải vững vàng, ý chí ta phải kiên định, từ việc nhỏ đến việc lớn, con người luôn phải đương đầu với những khó khăn thử thách, nếu nản lòng, thoái chí sẽ thất bại cay đắng. 
+ Muốn học tập tốt, muốn thực hiện được mục đích, ước mơ đều rất cần lòng kiên trì, nghị lực và quyết tâm cao. 

* Cơ sở thực tiễn: HS lấy dẫn chứng trong học tập, chiến đấu, lao động sản xuất
- Trong cuộc sống có biết bao nhiêu tám gương sang về sống và bền chí:    
- Gần gũi với chúng ta không ít nhưng tấm gương sáng đang khâm phục, như Nguyễn Ngọc Ký. Anh bị liệt cả hai tay nhưng mong ước đến trường vẫn luôn thôi thúc anh. Thế là anh bắt đầu tập viết bằng hai chân. Những nét chữ đầu tiên thâth là khó nhưng anh không chịu nản lòng và bây giờ anh đã trở thành một nhà giáo ưu tú, được các em học sinh yêu quý, kính trọng. Anh còn là một cây bút quen thuộc với chúng ta.
- Trong lao động, tấm gương của nhà bác học Trương Định Của đúng là một bằng chứng hùng hồn. Để lai tạo một giống lúa mới có năng suất cao, có khả năng chống rầy tốt, ông phải làm việc vô cùng vất vả, khó nhọc. Hàng ngày từ tờ mờ đất, ông ra ruộng lội bì bõm nghiên cứu, thử nghiệm đến tối mịt mới về. Suốt nhiều năm gian nan, qua nhiều vụ lúa, một giống lúa mới được ra đời. Chính sự kiên nhẫn bền bỉ của ông đã đem no ấm đến cho đời. 
 - Rồi trên thế giới, không ai là không biết nhà bác học người Pháp Pie Quyri và Mari Quyri. Họ đã kì công trong bốn năm trời lọc đi lọc lại tám tấn bã quặng để tìm một phần mười gam chất phóng xạ radium.
- Thế mới biết ý chí, nghị lực, đức tính kiên nhẫn, bền bỉ đóng vai trò quan trọng tới mức nào trong việc quyết định thành bại của từng công việc nói riêng và cả sự nghiệp của mỗi con người nói chung. Có mục đích đúng đắn là chưa đủ, phải có lòng kiên trì, nhẫn nại kết hợp với một phương pháp làm việc năng động và sáng tạo thì chúng ta mới có thể biến ước mơ thành hiện thực- Chủ tịch HCM - người Cha của dân tộc VN cũng là một tấm gương sáng chói về kiên trì và nhẫn nại. Đất nước ta có được hoà bình tự do như ngày hôm nay chính là một phần nhờ vào lòng kiên tri, vững trí của Bác. Khi còn là chàng thanh nên trẻ tuổi, Bác đã từ biệt gia đình và quê hương ra đi tìm đường cứu nước. Ở nơi đất khách quê người Bác đã làm mọi việc để kiếm sống : làm phụ bếp trên tàu, làm người cào tuyết giữa mùa đông giá lạnh ở chân Âu....

Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
Một viên gạch hồng BÁc chống lại cả một mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn, người có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya.

- Biết bao vất vả cực nhọc, Bác chẳng sờn lòng, Bác kiên trì nhẫn lại đi đến tất cả các nước, các dân tộc trên thế giới để tìm hiểu con đưòng giải phóng dân tộc của họ. Cuối cùng sự kiên nhẫn của Bác đã được đền đáp xứng đáng. Người đã tìm thấy con đường cho dân tộc thoát khỏi cảnh no lệ lầm than.Tấm gương Bác Hồ chói sáng rực rỡ , trước hết là ở chỗ :Có công mài sắt có ngày nên kim.

3. Phê phán những người thiếu lòng kiên trì, yếu đuối, không có ý chí, nghị lực, sống dựa dẫm, ỷ lại vào người khác.

4. Bài học cho bản thân:
- cần biết nỗ lực học tập, tu dưỡng bản thân bằng lòng kiên trì, nghị lực, ý chí , quyết tâm vượt qua mọi trở ngại để có hành trang vững vàng, làm chủ cuộc sống...

Câu 3 (5 điểm)
- Đây là câu nghị luận văn học. Nó đòi hỏi học sinh trình bày cảm nhận của mình về tình cha con trong một đoạn trích (trích từ tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng). Bài viết cần có bố cục đầy đủ 3 phần. Về nội dung, học sinh có thể có những cách trình bày và sắp xếp riêng. 
- Sau đây là một số gợi ý:
a, mở bài:
- Giới thiệu hình ảnh anh Sáu và bé Thu trong đoạn trích Chiếc lược ngà ở Sách Ngữ văn 9, tập 1: hai nhân vật thể hiện tình cha con sâu nặng trong hoàn cảnh trớ trêu, éo le.
- Giới thiệu đoạn trích trong đề bài : thuộc khoảng giữa của đoạn trích trong sách giáo khoa. Nó nằm trong phần thuật lại sự việc lúc anh Sáu chuẩn bị trở về đơn vị. Đó cũng là lúc tình cha con của anh Sáu và bé Thu bộc lộ một cách rõ ràng, mãnh liệt và cảm động.

b. Thân bài:P hân tích trình bày cảm nhận:
* Tình cảm cha con giữa anh Sáu và bé Thu diễn ra và biểu hiện trong hoàn cảnh thật trớ trêu, éo le: 
-  Học sinh nhắc lại những cảm xúc ngỡ ngàng, cam chịu của anh Sáu trong 3 ngày về phép khi bé Thu không chịu nhận anh là cha và không chịu nhận sự yêu thương, chăm sóc của anh đối với nó khiến anh có lúc đã không kiềm chế được bản thân…
-  Do đó lúc chia tay, cả anh Sáu và bé Thu đều có cử chỉ, tâm trạng thật đặc biệt : anh Sáu thì đưa mắt nhìn con, còn bé Thu thì đứng trong góc nhà; anh muốn ôm con, hôn con nhưng lại sợ nó giẫy lên rồi bỏ chạy; anh chỉ đứng nhìn nó với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu, còn bé Thu thì đứng trong góc nhà với đôi mắt mênh mông, tâm trạng xôn xao, bồn chồn.

* Tình cảm cha con mãnh liệt của anh Sáu và bé Thu: nó được biểu hiện trong hành động và ngôn ngữ của nhân vật, nhất là của bé Thu:
-  Bé Thu: kêu thét lên một tiếng “Ba…a…a…ba” như một tiếng xé, xé cả ruột gan mọi người, một tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng; nó vừa kêu vừa chạy tới, chạy thót lên, dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó, tóc nó như dựng đứng lên, nó nói trong tiếng khóc, hôn ba nó cùng khắp: hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa.
- Anh Sáu : bế nó lên.
Học sinh cần khai thác giá rị nghệ thuật của những chi tiết nói trên để làm rõ tình cảm cha con sâu nặng của anh Sáu và bé Thu.
+ Tình cảm cha con ấy đã gây nên một cảm xúc mãnh liệt đối với những người chứng kiến: tiếng kêu của bé Thu không chỉ xé sự im lặng mà còn xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa.
+ Tình cảm cha con của anh Sáu và bé Thu được nhà văn Nguyễn Quang Sáng thể hiện trong một đoạn văn có những chi tiết chọn lọc, lời văn trữ tình, giàu cảm xúc đã tô đậm lên tình cảm cha con cao quý của anh Sáu và bé Thu, góp phần biểu hiện một nét tâm hồn cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
* Tổng kết, đánh giá chung: một đoạn văn tự sự, có tính chất trữ tình, với những chi tiết đặc sắc đã thể hiện được tình cảm cha con sâu nặng trong hoàn cảnh trớ trêu, đầy kịch tính của người dân Việt Nam thời chiến và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và đầy ám ảnh đối với người đọc hôm nay.





Tuesday, June 14, 2016

ĐỀ THI VÀO LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2016 - 2017 mới.


Thời gian 120 phút, không kể thời gian giao đề 


Câu 1: ( 1,0 điểm): Xác địnhkhởi ngữ và các thành phần biệt lập trong các ví dụ cho sau đây
a, Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “ Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”
(“Những ngôi sao xa xôi”- Lê Minh Khuê)
b, Vâng! Ông giáo dạy phải! Đối với chúng mình thì thế là sung sướng.
(“Lão Hạc” - Nam Cao. )
c) Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài.
(“Lặng lẽ Sa Pa” - Nguyễn Thành Long )

Câu 2: ( 3,5 điểm):Cho đoạn trích:
 “ Xót người tựa cửa hôm mai, 
Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa, 
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.”
( “ Truyện Kiều”- Nguyễn Du)
a, Đoạn trích là nỗi nhớ của Kiều về ai? Giải nghĩa cụm từ: “Quạt nồng ấp lạnh”?
b, Từ tấm lòng của Kiều, em hãy viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về lòng hiếu thảo trong xã hội ngày nay?
c, Chép thuộc 8 câu thơ tiếp theo và trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ đó bằng một đoạn văn.

Câu 3: (5,5 điểm). Truyện ngắn “ Lặng lẽ Sa Pa”- Nguyễn Thành Long đã khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động thầm lặng đang ngày đêm xây dựng quê hương.
                       Em hãy phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện để làm sáng tỏ.


Câu 1: (1 điểm): Mỗi đáp án đúng cho 0,25 điểm tổng 1 điểm:
a, Thành phần khởi ngữ: (Còn) mắt tôi
b, Thành phần biệt lập gọi đáp: Vâng
- Khởi ngữ: (Đối với) chúng mình.
c, Thành phần biệt lập cảm thán: Chao ôi

Câu 2: (3,5 điểm).
a,( 0,5 điểm): Đoạn trích là nỗi nhớ của Kiều về cha mẹ khi ở lầu Ngưng Bích. (0,25đ)
- Nghĩa của cụm từ: mùa hè, trời nóng nực thì quạt cho cha mẹ ngủ; mùa đông, trời lạnh giá thì vào nằm trước trong giường (ấp chiếu chăn) để khi cha mẹ ngủ, chỗ đã ấm sẵn . Chỉ sự phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ.( 0,25đ)

b, (1 điểm): Yêu cầu biết viết đoạn văn nghị luận xã hội về lòng hiếu thảo là một trong đức tính tốt đẹp của con người, đạo lí làm người
Đảm bảo các ysau:
* Giải thích
- Hiếu: là hiếu nghĩa,biết ơn người sinh thành dưỡng dục mình,biết cung kính bề trên. 
- Thảo: là mở tấm lòng mình ,biết chia ngọt sẻ bùi với người thân nói riêng,với nhân loại nói chung. 
- Hiếu thảo là sự biết ơn,là thái độ hành động thể hiện lòng cung kính tôn trọng và phụng sự đáp đền chân thật đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên (0,25đ)

*  Biểu hiện,ý nghĩa của lòng hiếu thảo:
-  ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ, biết ơn công sinh thành dưỡng dục, yêu thương, kính trọng, chăm sóc, báo đáp công lao. 
- Hiếu thảo với cha mẹ khiến con cái trưởng thành hơn, giúp gắn kết các thế hệ trong gia đình , sống biết yêu thương, là động lực, sức mạnh để con người vượt qua khó khăn trong cuộc sống. (Dẫn chứng trong cuộc sống, trong văn học) (0,5đ)

* Phê phán những hành động bất hiếu ; bỏ rơi cha mẹ già , đánh đập đối xử tàn nhẫn quên ông bà tổ tiên.(0,25đ).
* Bài học nhận thức và hành động của bản thân

c, ( 1,5 điểm)
+ Chép thuộc: (0,5 đ)
Kiều ở lầu Ngưng Bích


“ Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọ nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
( Trích “ Truyện Kiều”- Nguyễn Du)

+ Cảm nhận về đoạn thơ: ( 1,5 điểm)
Yêu cầu biết viết đoạn văn nghị luận về văn học, diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc, không sai lỗi dùng từ, viết câu, chính tả.
Nội dung cần đảm bảo các ý cơ bản:
- Đoạn thơ thể hiện tâm trạng của Kiều sau khi bị Mã Giám Sinh lừa, nàng quyên sinh không thành và bị Tú Bà giam lỏng tại lầu Ngưng Bích. (0,25 đ)
+ Tâm trạng của Kiều được thể hiện qua cái nhìn trước cảnh vật: nhìn ra phía trước Kiều thấy cảnh cửa bể thấp thoáng cánh buồm xa xa như hư như thực, Kiều thấy mình buồn, lẻ loi trước tương lai mờ mịt; nhìn xuống phía dưới chỉ thấy những cánh hoa trôi bị dập vùi tan tác, nàng lo lắng nghĩ đến thân phận như cánh hoa trôi dạt vô định; nhìn phía xa chỉ thấy những nội cỏ rầu rầu đang héo rũ, úa tàn mà lo sợ cho tương lai của chính mình; mọi cảnh vật như nhòa đi trước mắt Kiều chỉ còn nghe thấy tiếng sóng vỗ ầm ầm mặt duềnh, nàng ngồi trên lầu mà tưởng như ngồi giữa biển khơi, nàng bàng hoàng, kinh hãi như dự cảm giông tố sắp ập đến cuộc đời mình. (0,5 đ)
+ Nguyễn Du đã dùng các hình ảnh ẩn dụ, liệt kê, sử dụng các từ láy giàu sắc thái biểu cảm để miêu tả cảnh vật với không gian từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong đoạn thơ gợi tả thật sinh động, sâu sắc bức tranh ngoại cảnh và bức tranh tâm cảnh. Điệp từ “ buồn trông” tạo âm hưởng trầm buồn diễn tả tâm tâm trạng buồn đau của Kiều.(0,5 đ)
-  Đoạn trích khẳng định tài năng sáng tạo nghệ thuật và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà thơ Nguyễn Du . (0,25 đ).

Câu 3: (5,5 điểm).
* Yêu cầu : 
- Biết viết văn nghị luận văn học. Diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc, không mắc lỗi diễn đạt về từ, câu, chính tả. 
- Nội dung đảm bảo các ý cơ bản: 

* MB:
- Giới thiệu, dẫn dắt nêu vấn đề:
+  tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, 
+vẻ đẹp của con người lao động qua nhân vật anh thanh niên(0,25 đ)

* TB: (5 đ). 
- Giới thiệu chung về anh thanh niên
- Nngoại hình nhỏ bé, 27 tuổi, làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn …con người bình dị như bao người lao động khác.(0,5đ)
- Phân tích các phẩm chất của anh thanh niên:
+ Một thanh niên giàu nghị lực đã vượt qua hoàn cảnh sống và làm việc hết sức gian khổ, khắc nghiệt: quanh năm “chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”; công việc đều đặn, gian khổ: rét, mưa tuyết, nửa đêm…; cô đơn, vắng vẻ. (1đ)
+ Với công việc anh là người say mê, yêu nghề qua suy nghĩ và việc làm đầy tỉ mỉ, chu đáo với tinh thần trách nhiệm cao. Anh cho rằng công việc là niềm vui, hạnh phúc của cuộc đời: “ ta với công việc là đôi”, “ nếu bỏ nó đi cháu buồn đến chết mất” . (1đ)
+ Trong cuộc sống anh luôn là người tự chủ, sống có hoài bão lí tưởng. Cuộc sống một mình nhưng căn nhà luôn ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Anh trồng hoa, nuôi gà tìm niềm vui trong sách, tự làm giàu đời sống vật chất và tinh thần của mình. Anh suy nghĩ, quan niệm đầy đúng đắn về ý thức trách nhiệm với quê hương “ mình sinh ra là gì? mình đẻ ở đâu?mình vì ai mà làm việc?...”, thấy “ từ hôm đó cháu sống thật hạnh phúc” khi biết công việc của mình góp phần cho chiến thắng của quân đội ta.  Hạnh phúc của anh là được cống hiến cho quê hương. (1đ)
+ Với những người xung quanh anh chân thành, cởi mở, khiêm tốn: biết vợ bác lái xe mới ốm dậy anh chu đáo biếu củ tam thất, nồng nhiệt đón khách, tặng hoa cho cô gái, biếu làn trứng ăn trưa cho ông họa sĩ, cô kĩ sư, bác lái xe; Anh nhiệt thành giới thiệu về những người khác mà anh thật sự khâm phục: ông kĩ sư vườn rau SaPa, người cán bộ nghiên cứu khoa học về sét. Anh cảm thấy đóng góp của mình là nhỏ bé. (1đ)
-  Đánh giá: Với nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tình huống hết sức ngắn ngủi, qua cảm nhận, cách nhìn của các nhân vật khác, tác giả Nguyễn Thành Long đã khắc họa thành công bức chân dung đẹp về nhân vật anh thanh niên tiêu biểu cho những con người lao động thầm lặng xây dựng quê hương. Dù họ làm bất cứ công việc gì ở họ đều chung những phẩm chất đáng quí: nghị lực, lạc quan, yêu nghề, chân thành, khiêm tốn, luôn khao khát được làm việc được cống hiến cho quê hương. (0,5 đ)
* KB: ( 0,25đ).
- Khẳng định vẻ đẹp của nhân vật, của con người lao động.
- Bày tỏ cảm nghĩ của bản thân.




ĐỀ THI THỬ KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2016


Môn thi: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 180 phút
Đề 3

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
*Văn bản 1: Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 3:

Mẹ và quả
Mẹ và quả

MẸ VÀ QUẢ

Nguyễn Khoa Điềm
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời khi như mặt trăng

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi

Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh
(Trích từ “Mẹ của nhà thơ”, NXB Phụ nữ, 2008)

Câu 1. Trong nhan đề và bài thơ, chữ “quả” xuất hiện nhiều lần. Chữ “quả” ở dòng nào mang nghĩa tả thực? Chữ “quả” ở dòng nào mang ý nghĩa biểu tượng? (0.5 đ)
Câu 2. Nghĩa của từ “trông” trong dòng thơ “Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng” là gì? (0.25 đ)
Câu 3. Trong hai dòng thơ “Những mùa quả lặn rồi lại mọc – Như mặt trời khi như mặt trăng”, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Hãy nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó. (0.5 đ)

* Văn bản 2: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 4 đến câu 7:
      "Có một cậu bé nghèo bán hàng rong ở các khu nhà để kiếm tiền đi học. Hôm đó, cậu lục túi chỉ còn mấy đồng tiền ít ỏi mà bụng đang rất đói.
    Cậu quyết định xin một bữa ăn tại một căn nhà gần đó. Cậu hốt hoảng khi thấy một cô bé dễ thương ra mở cửa. Thay vì xin ăn, cậu ta đành xin một ly nước uống.
Cô bé nghĩ rằng cậu ta trông đang đói nên đem ra một ly sữa lớn.
Cậu uống từ từ, rồi hỏi: "Tôi nợ bạn bao nhiêu?"
Cô bé đáp: "Bạn không nợ tôi bao nhiêu cả. Mẹ dạy rằng chúng tôi không bao giờ nhận tiền khi làm một điều tốt."
Cậu ta nói: "Vậy thì tôi cảm ơn bạn nhiều lắm."
Khi Howard Kelly (*) rời căn nhà đó, cậu ta không những cảm thấy trong người khoẻ khoắn, mà còn thấy niềm tin vào con người, vào cuộc sống rất mạnh mẽ.
         Sau bao năm, cô gái đó bị ốm nghiêm trọng. Các bác sĩ trong vùng bó tay và chuyển cô lên bệnh viện trung tâm thành phố để các chuyên gia chữa trị căn bệnh hiểm nghèo này. Tiến sĩ Howard Kelly được mời làm chuyên gia. Khi nghe tên nơi ở của bệnh nhân, một tia sáng lạ loé lên trong mắt anh ta. Anh đứng bật dậy và đi đến phòng cô gái. Anh nhận ra cô gái ngay lập tức. Anh quay trở lại phòng chuyên gia và quyết tâm phải gắng hết sức để cứu được cô gái. Anh đã quan tâm đặc biệt. Sau thời gian đấu tranh lâu dài, căn bệnh của cô gái đã qua khỏi. Anh cầm tờ hoá đơn thanh toán viện phí, viết gì đó bên lề và cho chuyển lên phòng cô gái. 
           Cô gái lo sợ không dám mở tờ hoá đơn viện phí ra, bởi vì cô chắc chắn rằng đến suốt đời thì cô cũng khó mà thanh toán hết số tiền này.
          Cuối cùng cô can đảm nhìn, và chú ý đến dòng chữ bên cạnh tờ hoá đơn: "Đã thanh toán đủ bằng một ly sữa."
                    Ký tên: Tiến sĩ Howard Kelly.
         Mắt đẫm lệ, cô gái xúc động thốt lên: "Lạy chúa, tình yêu thương bao la của người đã lan rộng trong trái tim và bàn tay con người."

Chú thích: (*) Tiến sĩ Howard Kelly là một nhà vât lý lỗi lạc, đã sáng lập ra Khoa Ung thư tại trường Đại học John Hopkins năm 1895.

Câu 4. Đặt nhan đề cho văn bản. (0.5 đ)
Câu 5:  Văn bản sử dụng phương thức biểu đạt nào là chủ yếu? (0.25 đ)
Câu 6. Văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?(0.25 đ)
Câu 7. Câu chuyện trên mang đến bài học gì? (0.75 đ)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)Câu 1 (3,0 điểm): Anh/chị hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) để bàn về bài học được rút ra từ câu chuyện một ly sữa trên

Câu 2 (4,0 điểm): Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:
Tây tiến


“Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh maug lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc đọc hành”
(Trích Tây tiến – Quang Dũng, Ngữ văn 12, tập 1)

               Từ sự hi sinh anh dũng của những chàng trai thời “Tây tiến” ấy, anh chị sẽ hành động như thế nào nếu tổ quốc cần?


ĐÁP ÁN:
I. Phần Đọc hiểu (3.0 điểm)

Câu 1
- Tả thực: Những mùa quả mẹ tôi hái được/ Những mùa quả lặn rồi lại mọc.
- Biểu tượng: Và chúng tôi, một thứ quả trên đời/ Mình vẫn còn là một thứ quả xanh

Câu 2
- Nghĩa của từ “trông”: trông chờ, niềm tin, hi vọng vào con cái…

Câu 3. 
- Trong hai dòng thơ “Những mùa quả lặn rồi lại mọc – Như mặt trời khi như mặt trăng”, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ: so sánh.
- Tác dụng của biện pháp tu từ đó: gợi lên bước đi của thời gian, biểu lộ sự ngậm ngùi cho sự vất vả của người mẹ…

Câu 4 : Nhan đề: Một ly sữa/ Sẽ được gì khi ta biết cho đi…
Câu 5:  Văn bản sử dụng phương thức biểu đạt chủ yếu: tự sự
Câu 6:  Văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ : nghệ thuật
Câu 7: Câu chuyện trên mang đến bài học: Khi biết cho đi một cách vô điều kiện, ta sẽ được nhận lại nhiều niềm vui hơn thế nữa…

II. Phần Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1 (3.0 điểm)

1. Yêu cầu về kỹ năng: đảm bảo bố cục một bài văn nghị luận xã hội, hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.
2. Yêu cầu về kiến thức: cần đảm bảo các nội dung sau
a. Mở bài: Nêu vấn đề ngắn gọn, rõ ràng, có cảm xúc…
b. Thân bài:
*. Ý nghĩa của câu chuyện

- Khi biết cho đi sự yêu thương chúng ta sẽ nhận lại được sự yêu thương (ý nghĩa của việc cho đi và nhận lại)
*. Suy nghĩ của bản thân về vấn đề trên.
* Bình luận:
Câu chuyện có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
- Biết giúp đỡ người khác lúc khó khăn mà không đòi hỏi sự trả ơn là hành động đúng đắn, nhân văn...
+ Lí lẽ.
+ Dẫn chứng:
- Khi biết cho đi yêu thương ta sẽ nhận lại sự yêu thương từ người khác
* Thái độ với sự vô cảm (gieo gì gặt nấy): phê phán, lên án...
* Liên hệ bản thân:
nhận thức được điều gì, bài học rút ra cho bản thân và cho mọi người.
c. Kết bài:  Đánh giá ý nghĩa nhân văn của câu chuyện và suy nghĩ của bản thân.
Câu 2:
1. Yêu cầu về kỹ năng: đảm bảo bố cục một bài văn nghị luận văn học, có hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.
2. Yêu cầu về kiến thức: cần đảm bảo những kiến thức sau
a. Vài nét về tác giả Quang Dũng, bài thơ Tây tiến và vị trí đoạn trích.

- Quang Dũng là nghệ sĩ đa tài, thành công nhất về thơ ca, tiêu biểu cho thế hệ nhà thơ thời chống Pháp…
- Tây tiến viết về người lính thời chống Pháp tuy gian khổ những hào hùng, đậm chất lãng mạn…
- Đoạn thứ 3 khái quát chân dung người lính Tây tiến: gian khổ, hi sinh nhưng vẫn lãng mạn, hào hùng…có ảnh hưởng sâu sắc tới nhận thức và hành động của thế hệ trẻ.

b. Cảm nhận về đoạn thơ
* Hai câu đầu: trên nền thiên nhiên khắc nghiệt, thiếu thốn vật chất, hình ảnh người lính hiện lên thật bi tráng.
* Hai câu tiếp (mắt trừng gửi…dáng kiều thơm): Tâm hồn hào hoa, lãng mạn.
* Hai câu (Rải rác …chẳng tiếc đời xanh): Vẻ đẹp lí tưởng của thời đại “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.
* Hai câu cuối: Sự hi sinh bi tráng của người lính.
* Nghệ thuật: tương phản, đối lập; sử dụng nhiều từ Hán Việt gợi sắc thái cổ kính; phép tu từ nhân hóa, ẩn dụ; ngôn ngữ sử thi…=> cảm hứng bi tráng.

c. Liên hệ bản thân: - Nhận thức MQH giữa cá nhân với dân tộc.
- Mỗi cá nhân luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân (khi nào tổ quốc cũng cần sự chung tay góp sức)
+ thời bình: ra sức học tập, rèn luyện…cống hiến để dựng xây đất nước giàu mạnh…
+ nếu xảy ra biến cố: sẵn sàng hi sinh tất cả vì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ…

d. Đánh giá chung
- Đọc đoạn thơ, ta vừa được bồi đắp thêm những nhận thức về sự hi sinh của thế hệ cha anh, vừa được thuyết phục về tình cảm để từ đó biết suy nghĩ nghiêm túc về trách nhiệm của mình đối với đất nước